Xét nghiệm Helicobacter Pylori (H. Pylori) có ý nghĩa gì ? Đây cách duy nhất để biết bạn có bị nhiễm khuẩn HP hay không một cách chính xác.
Tại Việt Nam, theo thống kê có tới 70% người Việt bị nhiễm vi khuẩn HP. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng; thậm chí tiến triển thành ung thư dạ dày. Thực hiện xét nghiệm Helicobacter Pylori có thể đưa ra biện pháp điều trị kịp thời, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Tìm hiểu về chỉ số IgG
Trước khi tìm hiểu về xét nghiệm Helicobacter Pylori, chúng ta cần hiểu rõ vi khuẩn HP là gì. Helicobacter Pylori là một loại xoắn khuẩn gram âm; có thể thích nghi để sống trong môi trường axit đậm đặc (dạ dày người). Sở dĩ như vậy là do chúng có thể tiết ra men urease, loại men này có thể trung hòa axit trong dạ dày.
Sau nhiều năm, vi khuẩn HP có thể phá hủy lớp màng bảo vệ dạ dày và ruột non. Điều này có thể hình thành nên các vết loét tại niêm mạc dạ dày, tá tràng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng; tình trạng viêm nhiễm có thể tiến triển thành ung thư dạ dày.
Xét nghiệm vi khuẩn HP, hay còn gọi là test HP. Đây là xét nghiệm giúp bác sĩ phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn Helicobacter Pylori có trong dạ dày; đồng thời xác định mức độ nhiễm khuẩn.
Những thông tin này có ý nghĩa vô cùng quan trọng; giúp các bác sĩ xác định mức độ tổn thương do vi khuẩn HP gây ra. Cũng như phòng ngừa nguy cơ phát triển bệnh ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Khi xét nghiệm, nếu bác sĩ không phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn HP trong dạ dày; thì kết quả nhận được sẽ là vi khuẩn HP âm tính. Trái lại, nếu kết quả vi khuẩn HP dương tính; thì có nghĩa là có vi khuẩn HP trong dạ dày của bạn.
Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn HP
Có hai phương pháp xét nghiệm chính thường được tiến hành để chẩn đoán vi khuẩn HP, đó là:
Phương pháp xâm lấn: Thông qua nội soi dạ dày tá tràng, các bác sĩ thu thập một mẫu mô nhỏ từ lớp niêm mạc của dạ dày và ruột non. Sau đó, sẽ tiến hành phân tích để kiểm tra xem có sự hiện diện của vi khuẩn hay không.
Phương pháp không xâm lấn: Phương pháp này có thể giúp bác sĩ xác định được bệnh nhân có bị nhiễm vi khuẩn H.pylori; mà không cần phải tiến hành nội soi dạ dày và tá tràng. Hiện nay, có 3 phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP không xâm lấn phổ biến; đang được rất nhiều người lựa chọn thực hiện, bao gồm:
- Xét nghiệm kháng nguyên trong phân
- Xét nghiệm để tìm kháng thể HP trong máu (ít được áp dụng).
- Xét nghiệm hơi thở
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm HP trong một số trường hợp dưới đây:
- Có tiền sử viêm loét dạ dày, tá tràng, đã từng điều trị u lympho đường tiêu hóa hoặc ung thư dạ dày.
- Bệnh nhân bị thiếu máu, thiếu sắt không rõ nguyên nhân.
- Bệnh nhân xuất hiện một số triệu chứng bất thường như: đau bụng nhiều lần, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, phân có máu, da nhợt nhạt, sút cân không giải thích được,…
- Người bệnh sử dụng thuốc kháng viêm chống steroid (NSAID) điều trị trong thời gian dài
- Bệnh nhân có người thân trực hệ đã từng mắc bệnh viêm loét dạ dày, ung thư tiêu hóa.
Kết quả xét nghiệm H.pylori IgG dương tính có ý nghĩa gì ?
Xét nghiệm HP là cách tốt nhất để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn HP có trong dạ dày. Tuy nhiên, khi nhận được kết quả xét nghiệm; có rất nhiều người không nắm rõ các chỉ số ở trên đó có ý nghĩa như thế nào. Ở phần thông tin dưới đây; chúng tôi sẽ giúp bạn đọc giải đáp một số câu hỏi thường gặp về loại xét nghiệm này.
Xét nghiệm H.pylori IgG dương tính nghĩa là bị bệnh dạ dày ?
Đây là một sự nhầm lẫn khá phổ biến của nhiều người. Đầu tiên, chỉ số IgG thể hiện khả năng kháng thể tồn tại trong cơ thể của bệnh nhân. Do đó, nếu kết quả cho thấy chỉ số này dương tính; thì có nghĩa là bạn đã từng bị nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên, chỉ số này cũng không thể kết luận được là tại thời điểm thực hiện xét nghiệm cơ thể bạn có đang bị nhiễm khuẩn HP hay không.
Thứ hai, vi khuẩn HP có thể gây ra tình trạng viêm loét dạ dày; nhưng không phải 100% tất cả những người bị nhiễm khuẩn HP đều bị viêm loét, tổn thương dạ dày-tá tràng. Trong một số trường hợp, vi khuẩn này thậm chí có thể giúp dạ dày diệt trừ nhiều tác nhân gây bệnh khác.
Ngoài ra, kể cả khi xét nghiệm HP cho kết quả dương tính; thì các bạn cũng không nên quá lo lắng. Bởi theo Thống kê đã cho thấy, có đến 80% trường hợp bị nhiễm H. pylori không có các biểu hiện lâm sàng rõ ràng hay biến chứng.
Chỉ có khoảng 20% số người bị nhiễm H. pylori là gặp các vấn đề tại dạ dày; cần được tiến hành điều trị và theo dõi sức khỏe lâu dài. Ngoài ra, việc mắc các bệnh lý tại dạ dày còn bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau; như: thể trạng cơ địa, độc tố của vi khuẩn, độ tuổi, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt,…Trong đó, việc bị nhiễm vi khuẩn HP chỉ là một nguyên nhân trong số đó.
Kết quả xét nghiệm H. pylori dương tính có ý nghĩa thế nào trong chẩn đoán bệnh học ?
Đối với xét nghiệm vi khuẩn HP, chỉ số IgM có giá trị chẩn đoán cao hơn so với chỉ số IgG. Bởi IgM là kháng thể đầu tiên được tạo ra trong máu để đáp ứng với sự xâm nhập của vi khuẩn HP.
Chính vì vậy, khi xét nghiệm IgG cho kết quả dương tính thì các bạn cũng không nên quá lo lắng; mà cần phải xem xét thêm kết quả của chỉ số IgM nữa. Các bác sĩ cũng sẽ dựa vào tiền sử bệnh lý và các triệu chứng lâm sàng của bạn; để có thể đưa ra kết luận cụ thể về tình trạng bệnh.
Nếu xét nghiệm vi khuẩn HP cho kết quả là IgG dương tính nhưng IgM âm tính; tức là trong cơ thể bạn đã có kháng thể IgG. Điều đó cho thấy bạn đã từng bị nhiễm khuẩn HP trước đây. Để xác định xem bệnh nhân có đang bị nhiễm vi khuẩn HP tại thời điểm xét nghiệm hay không; bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm và chẩn đoán khác.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy IgM và IgG cùng dương tính; thì tức là cơ thể bạn có tồn tại vi khuẩn H. pylori. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn HP không gây ra triệu chứng gì thì việc điều trị lúc này là không cần thiết.
Nếu kết quả xét nghiệm HP dương tính và bạn thấy xuất hiện các triệu chứng khó chịu như: buồn nôn, nôn mửa, đau bụng nhiều lần, ợ hơi, đi ngoài có phân đen… thì nên tiến hành nội soi dạ dày để kiểm tra. Sau đó, nếu kết quả nội soi dương tính thì bác sĩ sẽ bắt đầu tiến hành điều trị cho bệnh nhân.
Xét nghiệm H. pylori có độ chính xác cao không ?
Bất kỳ một phương pháp chẩn đoán nào cũng có một tỷ lệ sai sót nhất định; và xét nghiệm vi khuẩn HP cũng không phải ngoại lệ. Trong số các xét nghiệm HP thì xét nghiệm máu phát hiện vi khuẩn HP là có độ chính xác thấp nhất; loại xét nghiệm này thường không được ưu tiên thực hiện.
Nguyên nhân có thể do nồng độ kháng thể chống lại vi khuẩn HP vẫn còn có thể tồn tại trong máu nhiều tháng; thậm chí vài năm sau khi điều trị. Thông thường, phải mất khoảng thời gian dài để nồng độ này trong cơ thể giảm bớt.
Bên cạnh đó, vi khuẩn HP còn có thể hiện diện ở nhiều khu vực khác trong cơ thể; như: khoang miệng, đường ruột, xoang,… Điều này làm cho kết quả xét nghiệm máu dương tính; nhưng lại hoàn toàn không gây ra các vấn đề tại đường tiêu hóa.
Vì xét nghiệm máu chẩn đoán nhiễm HP thường hay cho kết quả dương tính giả; nên nó thường không được ưu tiên thực hiện. Chỉ những cơ sở y tế không có hình thức xét nghiệm HP nào khác; thì mới phải thực hiện loại xét nghiệm này.
Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP
Các bạn có thể phòng ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn HP bằng một số biện pháp dưới đây:
Ăn chín uống sôi
- Các loại thực phẩm chứa được nấu chín có thể tiềm ẩn rủi ro bị ngộ độc thực phẩm và lây nhiễm khuẩn HP. Loại vi khuẩn này có thể trú ngụ ở nhiều loại thực phẩm khác nhau. Do đó, nếu các bạn ăn các thực phẩm chưa được nấu chín, thì vi khuẩn HP hoàn toàn có thể xâm nhập vào cơ thể và gây ra các vấn đề tại dạ dày.
- Ngoài ra, các bạn cần tuyệt đối tránh các loại món ăn sống, tái như: tiết canh, gỏi cá, rau sống,… hay các loại thức ăn lên men như: mắm tôm, mắm ruốc,… Nên chú ý uống nước đã được đun sôi để loại bỏ các vi khuẩn có hại.
- Cẩn thận khi ăn uống tại các hàng quán vỉa hè. Vì dụng cụ ăn uống tại các địa điểm này thường không được vệ sinh kỹ càng; không thể loại bỏ hết được vi khuẩn HP.
- Tuyệt đối không nên ăn các loại thực phẩm có biểu hiện bị ẩm mốc, ôi thiu, có mùi lạ,…
Thường xuyên rửa tay sạch sẽ khi ăn uống để phòng ngừa vi khuẩn HP
Chú ý rửa tay bằng dung dịch có tính sát khuẩn thường xuyên; chính là cách ngăn chặn vi khuẩn HP đơn giản và hiệu quả nhất. Việc làm này cần đặc biệt chú trọng khi bạn chuẩn bị nấu ăn, trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh.
Hãy thận trọng khi tiếp xúc với người bị nhiễm khuẩn HP
- Tránh dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, bàn chải đánh răng, khăn tắm…
- Từ bỏ thói quen dùng chung các dụng cụ ăn uống như thìa, đũa, bát, nước chấm… trong gia đình; không dùng đũa gắp thức ăn cho nhau.
- Bố mẹ không nhai mớm cho con.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học và lành mạnh
- Tuân theo một chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ các dưỡng chất như: carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và nước.
- Tránh uống các loại đồ uống có chứa các chất kích thích như: bia rượu, cà phê, không hút thuốc lá,…
- Tích cực vận động, tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng; hỗ trợ đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể.
Nên đi khám tiêu hóa định kỳ 6 tháng/lần
Các bạn nên chủ động đi thăm khám sàng lọc các bệnh đường tiêu hóa định kỳ 6 tháng/lần. Việc làm này sẽ giúp các bạn phát hiện sớm vi khuẩn HP cũng như các nguy cơ bệnh lý khác; từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
Mong rằng qua bài viết trên đây, các bạn có thể nắm rõ xét nghiệm Helicobacter Pylori (H. Pylori) có ý nghĩa gì ? Cũng như những thông tin cần biết về loại xét nghiệm này.